Phiến quân Nhà nước Hồi giáo diễu hành ở tỉnh Raqqa, miền bắc Syria, tháng 6/2014. Ảnh: Reuters.
Số liệu, do công ty tư vấn an ninh The Soufan Group (TSG), trụ sở New York, Mỹ, công bố hôm nay, cho thấy nỗ lực của các quốc gia nhằm chặn dòng phiến quân đến Iraq và Syria có hiệu quả thấp.
"Hiệu ứng phiến quân nước ngoài ở Iraq và Syria thực sự là toàn cầu", AFP dẫn báo cáo từ TSG cho biết. "IS đã thành công vượt xa giấc mơ của các nhóm khủng bố khác, thậm chí là al-Qaeda. IS thu hút dược hàng chục nghìn người gia nhập nhóm phiến quân và kích động nhiều người ủng hộ chúng".
Tổng cộng, khoảng 27.000 đến 31.000 phiến quân nước ngoài đến từ 86 quốc gia đã đến Iraq và Syria, theo TSG. Trong nghiên cứu công bố tháng 6/2014, chỉ có khoảng 12.000 phiến quân nước ngoài ở Syria. coupons
Phiến quân nước ngoài đến Iraq và Syria nhiều nhất là từ Trung Đông và khu vực Maghreb ở Bắc Phi, với khoảng 8.000 tên từ mỗi vùng. Maghreb bao gồm Algeria, Libya, Mauritania, Morocco và Tunisia. Khoảng 5.000 phiến quân có nguồn gốc từ châu Âu và 4.700 tên đến từ các quốc gia từng thuộc Liên Xô.
TSG cho biết khoảng 20% - 30% phiến quân nước ngoài đang trở về quê nhà bởi IS muốn tìm cách gia tăng số vụ tấn công ở nước ngoài, tạo ra thách thức lớn đối với các cơ quan an ninh.
IS tuyên bố nhận trách nhiệm tấn công khủng bố Paris, Pháp, tối 13/11 làm 130 người chết. Nhóm phiến quân còn gây ra các vụ bạo lực tại nhiều quốc gia, từ Iraq đến Bangladesh.
Nguy cơ từ sự trở về của những phiến quân nước ngoài làm dấy lên tranh luận rộng rãi, đặc biệt là ở phương Tây. Một số nước đã hình sự hóa việc tới Syria tham chiến. Sau khi Paris bị khủng bố, giới lập pháp Mỹ còn hoài nghi về chương trình cho phép người châu Âu đến Mỹ mà không cần thị thực.
TSG cho biết số liệu mới nhất là "bằng chứng chứng tỏ những nỗ lực ngăn chặn dòng phiến quân nước ngoài đến Iraq và Syria có hiệu quả thấp". "Do IS thay đổi mục tiêu từ củng cố lãnh thổ chiếm được sang tấn công nước ngoài hoặc lợi ích của họ ở nơi khác, tiêu chí tuyển mộ cũng thay đổi", theo TSG.
IS tìm cách tuyển thành viên thông qua mạng xã hội, khiến phương Tây gia tăng báo động. Liên minh châu Âu (EU) trong tháng này thiết lập một diễn đàn để các hãng công nghệ khổng lồ như Google, Facebook cùng cơ quan hành pháp đối phó chủ nghĩa cực đoan trên mạng.
TSG lưu ý rằng "sức lan truyền trên mạng xã hội của IS là không thể phủ nhận và chúng còn thường tìm cách thuyết phục thay vì ép buộc".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét