Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 tại Quốc hội ngày 10/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, một số ý kiến cho rằng giáo dục, đào tạo và đào tạo nghề có những tiến bộ rõ rệt, đã mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện trong nhiều phương diện. Tuy nhiên, hiện mới tập trung đổi mới các vấn đề sự vụ (tuyển sinh, tốt nghiệp THPT…), chưa tập trung đổi mới những vấn đề cốt lõi là nội dung, phương pháp đào tạo.
"Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhưng Chính phủ không có báo cáo riêng về nội dung này. Giáo dục mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu. Hệ thống trường tiểu học tư thục không tuyển sinh đủ học sinh gây lãng phí lớn cho xã hội, việc đổi mới trong đánh giá chất lượng học sinh tiểu học còn nhiều ý kiến dư luận", báo cáo nêu rõ.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, giáo dục đại học còn tràn lan, chất lượng chưa cao, chưa tiếp cận được nhu cầu của xã hội và chưa phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Việc đổi mới quy trình đào tạo, hình thức tuyển sinh đại học, cao đẳng (xét tuyển căn cứ kết quả tốt nghiệp THPT) dẫn đến hệ quả là nhiều cơ sở đào tạo không tuyển đủ sinh viên.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế cũng cho biết một số nhà khoa học cho rằng việc bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học dẫn đến chất lượng đào tạo không bảo đảm. Đào tạo nghề còn nhiều bất cập, việc phân luồng cho học sinh sau chương trình phổ thông đang bị bỏ ngỏ, còn tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, thiếu người học nghề ngắn hạn... Ngoài ra, đào tạo theo hình thức cử tuyển gây tốn kém cho gia đình, xã hội nhưng hiệu quả thấp.
"Thời gian tới cần quy hoạch tập trung các trường đại học theo vùng, tránh đầu tư dàn trải, khó bảo đảm chất lượng, gây lãng phí nguồn lực", ông Giàu nói.
Để khắc phục tình trạng nói trên, báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 nêu rõ cần đánh giá cụ thể hơn việc thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; trong đó có việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học, bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6… vì những điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền được hưởng nền giáo dục quốc dân và được đào tạo ở các cơ sở có chất lượng của người dân.
Theo Ủy ban Kinh tế, việc chuẩn bị thực hiện các chương trình này cần có lộ trình phù hợp, tránh gây bức xúc trong xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét